QUÊ TÔI TRÊN BẢN ĐỒ
Chợ Lách
Huyện ở phía Tây Bắc của tỉnh Bến Tre, nằm trên cù lao Minh; Bắc giáp sông Tiền, ngăn cách với huyện Cai Lậy,tỉnh Tiền Giang; Tây Bắc giáp huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; Đông Bắc giáp sông Hàm Luông, ngăn cách với huyện Châu Thành cùng tỉnh; Tây Nam giáp sông Cổ Chiên, ngăn cách với huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long; Đông Nam giáp huyện Mỏ Cày Bắc cùng tỉnh. Về hành chánh, huyện bao gồm thị trấn Chợ Lách và 10 xã là: Hoà Nghĩa, Phú Phụng, Sơn Định, Vĩnh Bình, Long Thới, Tân Thiềng, Vĩnh Thành, Vĩnh Hoà, Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn. Vị trí địa lý Chợ Lách nằm bên tả ngạn sông Cổ Chiên, cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng 17 km. Trong khi đó từ huyện lỵ Chợ Lách phải mất 50 km đường bộ mới có thể về đến thành phố Bến Tre. Phía đông giáp Huyện Mõ cày, Tây giáp Xã Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), phía Nam giáp sông Cổ Chiên và phía bắc giáp sông Tiền Giang. Tuy có vị thế hơi cô lập và khó khăn trong giao thông đường bộ, nhưng bù lại với hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, Chợ Lách rất thuận tiện về mặc giao thông thủy. Đất đai của huyện do có phù sa của sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên bồi đắp nên rất màu mỡ. Hàng năm vào mùa nước lên, một số vùng thấp có bị ngập độ vài tháng, và khi nước rút thì để lại trên mặt đất trồng một lớp phù sa như một loại phân bón mới. Có những cù lao như cù lao Phú Đa, cù lao Cái Gà là những nơi chuyên canh cam, quýt, chuối xuất khẩu với sản lượng lớn. Đất tốt, nước ngọt quanh năm, khí hậu điều hòa là những yếu tố thiên nhiên thuận lợi rất cơ bản giúp cho con người ở đây tạo ra một vùng cây trái đặc sản thuộc loại trù phú nhất của Nam Bộ. Trái cây Chợ Lách nổi tiếng xa gần không chỉ về số lượng mà còn có chất lượng và chủng loại. Cây trái Cái Mơn đã trở thành một thương hiệu độc quyền của huyện. Ngoài ra, ở đây còn có nghề chiết cây, ghép cành và trồng hoa kiểng. Lịch sử Chợ Lách là quận của tỉnh Vĩnh Long từ năm 1908, gồm 3 tổng: Bình Thạnh với 3 làng, Bình Xương với 4 làng, Minh Ngãi với 4 làng. Ngày 11-08-1942, quận Chợ Lách bị giải thể, địa bàn bị sáp nhập vào quận Châu Thành cùng tỉnh. Ngày 30-08-1946, Chợ Lách là đại lý hành chính của tỉnh Vĩnh Long, gồm các làng: Tân Phong, Đông Phú, Bình Hoà Phước, An Bình, Phú Phụng, Sơn Định, Vĩnh Bình, Hoà Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng. Ngày 27-06-1951, Chợ Lách thuộc tỉnh Vĩnh Trà. Sau năm 1956, Chợ Lách là quận của tỉnh Vĩnh Long, gồm có 5 tổng: Bình Hưng với 3 xã, Bình Xương với 3 xã, Minh Ngãi với 3 xã, Thanh Thiềng với 4 xã, Bình Thiềng với 3 xã; quận lỵ đặt tại xã Sơn Định. Sau năm 1965, các tổng mặc nhiên giải thể. Sau 30-04-1975, Chợ Lách là huyện của tỉnh Bến Tre, gồm thị trấn Chợ Lách và các xã: Phú Phụng; Vĩnh Bình, Sơn Định, Hoà Nghĩa, Tân Thiềng, Long Thới, Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hoà, Hưng Khánh Trung. Ngày 09-02-2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 08/NĐ - CP, điều chỉnh địa giới hành chánh huyện Chợ Lách như sau: - Thành lập xã Hưng Khánh Trung A thuộc huyện Chợ Lách trên cơ sở điều chỉnh 1.331,67 ha diện tích tự nhiên và 8.760 nhân khẩu của xã Hưng Khánh Trung. - Thành lập xã Phú Mỹ thuộc huyện Chợ Lách trên cơ sở điều chỉnh 713 ha diện tích tự nhiên và 6.132 nhân khẩu của xã Phú Sơn. - Xã Hưng Khánh Trung còn lại 1.024,03 ha diện tích tự nhiên và 7.334 nhân khẩu (được đổi tên thành xã Hưng Khánh Trung B). - Tách toàn bộ diện tích và dân số của xã Hưng Khánh Trung A và xã Phú Mỹ phối hợp với các xã phía Đông của huyện Mỏ Cày thành lập huyện Mỏ Cày Bắc. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Huyện Chợ Lách còn lại 16.834,52 ha diện tích tự nhiên và 113.716 nhân khẩu, có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Hoà Nghĩa, Phú Phụng, Sơn Định, Vĩnh Bình, Long Thới, Tân Thiềng, Vĩnh Thành, Vĩnh Hoà, Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn và thị trấn Chợ Lách. Kinh tế Là một huyện đất hẹp người đông, bình quân ruộng đất thấp, nhưng Chợ Lách có thế mạnh riêng mà các huyện khác trong tỉnh không có. Đất đai Chợ Lách do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn Cổ Phiên và Hàm Luông, cùng hệ thống kênh rạch gồm 25 nhánh lớn, nhỏ chạy ngang dọc nên rất màu mỡ. Kinh tế chủ yếu của huyện là nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn. Huyện đã hoàn thành về cơ bản việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế vườn theo thâm canh có lựa chọn, đẩy mạnh việc sản xuất cây giống và cây hoa kiểng. Theo thông tin từ báo Đồng Khởi, năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của huyện đạt 12,7%. Cơ cấu kinh tế khu vực I: 50,51%, khu vực II: 14,48% và khu vực III: 35,02%. Năm 1990, diện tích đất trồng lúa của huyện là 5.300 ha; đến năm 1999, diện tích này thu hẹp lại còn 1.500 ha. Trong khi đó, diện tích đất vườn tương ứng tăng từ 7.000 ha lên 10.500 ha. Trong số đất vườn này, 80% dành cho trồng cây ăn trái với những chủng loại có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt, xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Nhờ đó, hàng năm sản lượng trái cây của huyện (không kể dừa) đã đạt 100.000 tấn. Theo thông tin từ Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 10-05--2010, toàn huyện có trên 9.000 ha diện tích cây ăn trái cho sản phẩm với sản lượng thu hoạch đạt 32.250 tấn trái cây, tăng hơn khoảng 10.000 tấn so cùng kỳ năm 2009. Trong đó sản lượng tăng chủ yếu ở các loại cây có múi, mận An Phước, và loại cây xử lý nghịch vụ như: chôm chôm và sầu riêng....Huyện Chợ Lách còn được mệnh danh là “Vương quốc hoa kiểng và cây giống” của cả nước. Trung bình mỗi năm người dân trong huyện sản xuất khoảng 6 triệu chậu hoa kiểng các loại, cung cấp cho thị trường khắp cả nước. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khá. Theo thông tin từ Website tỉnh Bến Tre, tính đến tháng 09-2009, toàn huyện đã có 331 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, huyện đã xây dựng xong các phương án đầu tư chợ nông thôn. Tính đến hết tháng 09-2009, toàn huyện có 2.751 hộ kinh doanh. Du lịch tiếp tục phát triển ổn định, các điểm du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú, điểm ăn uống trên địa bàn huyện đảm bảo mỹ quan sạch đẹp, đầu tư quy mô tương đối lớn. Năm 2009, huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch Bến Tre tổ chức khảo sát lập kế hoạch xây dựng khu sinh thái nghỉ dưỡng Homestay tại xã Vĩnh Thành, xung quanh khu nông nghiệp kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, khu du lịch nghỉ dưỡng cồn An Lương (Long Thới) đã đi vào hoạt động, ngôi nhà cổ tại xã Long Thới được trùng tu đã góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho du khách khi đến Chợ Lách. Xã hội Huyện Chợ Lách có nhiều tôn giáo: đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo. Đa số người dân theo đạo Thiên Chúa. Hầu hết các xã trong huyện đều có nhà thờ. Họ đạo Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) là họ đạo lâu đời nhất, được thành lập từ tháng 02-1872, một trong 10 trung tâm lớn và lâu đời của đạo Thiên Chúa ở nước ta. Cái Mơn cũng là quê hương của học giả Trương Vĩnh Ký. Bia và nhà kỷ niệm về ông vẫn còn nguyên vẹn. Họ đạo Cái Nhum (xã Long Thới) cũng là một họ đạo lớn. Từ năm 2000, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với 86 tuyến đường liên xã, liên ấp với tổng chiều dài là 132 km. Đường ô tô đã nối về tận trung tâm của các xã. Nhiều thôn ấp đã thanh toán được cầu khỉ. Cầu Chợ Lách bắt qua kênh Chợ Lách nối liền tỉnh lộ 888 từ thị trấn qua xã Phú Phụng (nay là quốc lộ 57) được khánh thành vào ngày 19-05-1994. Công tác giáo dục được quan tâm. Mỗi xã đều có trường tiểu học và trung học cơ sở. Từ năm 1995, huyện Chợ Lách đã được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học, chống nạn mù chữ. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tốt, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng, thành quả phổ cập giáo dục các cấp được giữ vững. Trung tâm y tế huyện tại thị trấn có 60 giường và một bệnh xá khu vực 10 giường, 8 trạm y tế xã đã được xây dựng kiên cố, trong đó 5 trạm có bác sĩ phụ trách. Tính bình quân trong toàn huyện hiện có 7,5 bác sĩ trên một vạn dân. |