Niels Bohr (1885 – 1962)
Nhà Bác Học Đan Mạch Danh Tiếng Thế giới, Nobel vật lý năm 1922, nguyên tử số 107 có tên “bohrium” (Bh) để vinh danh ông
Đối với dân tộc Đan Mạch, các điều khiến cho họ hãnh diện nhất gồm có kỹ nghệ đóng tầu, sản phẩm bơ sữa và hai vĩ nhân Hans Christian Anderson và Niels Bohr.
Niels Bohr chào đời vào ngày 07 tháng 8 năm 1885 trong lâu đài của Vua Georg, một dinh thự đẹp nhất của thủ đô Copenhagen, nước Đan Mạch. Niels Bohr là con của bà Ellen Adler, thuộc một gia đình Do Thái chủ ngân hàng giàu có, và ông Christian Bohr, giáo sư môn sinh lý học tại trường đại học Copenhagen. Vào thời kỳ còn là sinh viên, Niels đã nổi tiếng là xuất sắc về các môn toán, vật lý và túc cầu. Năm 22 tuổi, Niels Bohr đã đoạt được một huy chương vàng của Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Đan Mạch (the Royal Danish Academy of Sciences and Letters) nhờ công trình khảo cứu về sức căng mặt ngoài (surface tension).
Tới năm 1911, sau khi đã đậu văn bằng Tiến Sĩ Khoa Học với luận án về lý thuyết điện tử của các kim loại (the electron theory of metals), Niels Bohr sang nước Anh để học hỏi tại Phòng Nghiên Cứu Cavendish ở Cambridge. Tại nơi này, Bohr được Sir Joseph John Thomson hướng dẫn. Nhà đại bác học này là người đã khảo cứu tính chất điện từ của tia âm cực nên đã được giới Khoa Học gọi là “cha đẻ của điện tử”. Tháng 3 năm 1912, Bohr đổi sang trường đại học Manchester và theo học nhà đại bác học Ernest Rutherford, nhờ vậy ông được làm quen với lý thuyết về cấu tạo nguyên tử.
Vào thời bấy giờ, Lord Rutherford đã cắt nghĩa nguyên tử bằng một hệ thống giống như thái dương hệ theo đó mọi nguyên tử có một nhân ở giữa mang điện dương và xoay quanh nhân này là các điện tử mang điện âm. Lý thuyết của Rutherford rất đúng nên nhờ đó, các nhà khoa học có thể cắt nghĩa được nhiều hiện tượng vật lý nhưng một trở ngại được nêu lên. Nếu có các điện tử xoay quanh nhân, thì chắc hẳn phải có sự phát ra ánh sáng và do đó, sinh ra sự co lại của các quỹ đạo khiến cho các điện tử này sẽ bị rơi vào nhân trong khi theo sự nhận xét, điều này đã không xẩy ra.
Các điều bí ẩn về nguyên tử đã khiến cho Niels Bohr suy nghĩ. Năm 1913, Bohr đi tới kết luận như sau: ông công nhận hình ảnh về nguyên tử của Rutherford nhưng ông đặt giả thuyết rằng các điện tử tuy xoay với vận tốc đều trên các quỹ đạo cố định chung quanh nhân, nhưng không phát ra ánh sáng và vì vậy, không bị kéo về phía nhân. Tại các quỹ đạo này, các điện tử ở trong tình trạng ổn định, nghĩa là năng lượng của chúng không bị thay đổi. Tuy nhiên, vì các hỗn loạn do bên ngoài gây nên, chẳng hạn như sự va chạm hay bức xạ, các điện tử sẽ bị dời chỗ tạm thời để rồi trở về quỹ đạo cũ bằng cách nhẩy vọt và mỗi lúc nhẩy vọt từ quỹ đạo ngoài vào quỹ đạo trong kế cận sẽ phát ra một quang tử và quang tử này tiêu biểu cho sự khác biệt về năng lượng giữa quỹ đạo bên ngoài vừa từ bỏ và quỹ đạo bên trong vừa chấp nhận. Như vậy ánh sáng chỉ được phát ra trong trường hợp này mà thôi.
Niels Bohr đã dùng kiểu mẫu nguyên tử của ông và lý thuyết về quang tử của Max Planck để tiên đoán về các màu sắc, về chiều dài làn sóng và về các loại ánh sáng do các vật chất khác nhau phát ra. Các quan niệm về nguyên tử của Bohr đã giải thích được nhiều điều thắc mắc và đã khiến cho công việc khảo cứu nguyên tử đi được các bước thật dài. Niels Bohr làm việc cùng với Lord Rutherford cho tới năm 1916 rồi ông trở về Copenhagen để nhận chân giáo sư môn vật lý lý thuyết.
Ngay sau khi Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt, Niels Bohr cho rằng công việc tìm kiếm, học hỏi về nguyên tử và nền vật lý hạch tâm (nuclear physics) cần tới một Viện nghiên cứu đặc biệt, không những có đầy đủ các dụng cụ, máy móc tối tân mà còn cần tập trung nhiều nhà vật lý trên khắp thế giới. Vì thế Bohr đã đề nghị kế hoạch này với trường đại học và chương trình được nồng nhiệt chấp thuận. Thành phố Copenhagen đã tặng cho Viện một khu đất rất rộng để xây dựng Viện Vật Lý Lý Thuyết (the Institute of Theoretical Physics) và Viện này đã được khánh thành vào ngày 15/9/1920.
Niels Bohr trở nên nhân vật đứng đầu của Viện Vật Lý Lý Thuyết, một cơ sở lừng danh trên thế giới về nghiên cứu nguyên tử. Trong thời gian này, Bohr đã khám phá được nhiều định luật chi phối thế giới nguyên tử trong đó có nguyên tắc tương ứng (principle of correspondence) và nguyên tắc bổ túc (principle of complementary). Dưới sự hướng dẫn của Niels Bohr, Viện Vật Lý Lý Thuyết đã lôi cuốn được rất nhiều nhà khoa học trẻ tuổi, xuất sắc, tới nghiên cứu, học hỏi, trong số này đầu tiên có Wolfgang Pauli từ nước Áo, H.A. Kramers từ Hòa Lan, Georg Charles von Hevesy từ Hungary, Oskar Klein từ Thụy Điển rồi hai năm sau, 1924, có Werner Heisenberg, John Slater và Paul Dirac cùng nhiều nhà vật lý khác. Trong thập niên 1920, trường phái Vật Lý Copenhagen đã tiến bộ rất đáng kể do các công trình nghiên cứu, chẳng hạn như lý thuyết về cơ học phương trận (matrix mechanics) của Heisenberg, cơ học làn sóng (wave mechanics) của Schroedinger, lý thuyết tương đương (demonstration of equivalence) bởi Max Born, Paul Dirac và P. Jordan, lý thuyết điện tử xoay tròn (theory of electron spin) của Wolfgang Pauli, lý thuyết làn sóng của vật chất (wave theory of matter) do Louis de Broglie..., tất cả đã được nghiên cứu và thảo luận sổi nổi tại Viện của Bohr. Cũng vì thế, nhiều nhà vật lý đã gọi thập niên này là thời kỳ hào hùng của nền vật lý hạt tử (quantum physics) vì đã có được sự cộng tác của cả một thế hệ các nhà khoa học lý thuyết tới từ nhiều quốc gia để nghiên cứu ngành cơ học hạt tử (quantum mechanics) và ngành điện từ học (electromagnetics).
Phần thưởng khoa học đầu tiên của Niels Bohr là huy chương Hughes do Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Anh Quốc (the Royal Society) trao tặng vào năm 1921. Lý thuyết nguyên tử của Bohr đã được nhiều nhà bác học thời đó chấp nhận nhưng mặc dù lý thuyết này được ông đề cập tới 9 năm về trước, mãi tới năm 1922, Niels Bohr mới được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Vật Lý. Dù sao, tính tới lúc bấy giờ, Niels Bohr vẫn là nhà bác học trẻ tuổi nhất lãnh giải thưởng cao quý đó. Nhà đại bác học Albert Einstein đã phải nói về Niels Bohr như sau: “Không có ông Bohr, không biết các kiến thức về nguyên tử của chúng ta sẽ ra sao. Về phương diện cá nhân, Niels Bohr là một trong các người cộng sự đáng quý nhất mà tôi đã gặp. Ông ta phát biểu các ý tưởng của mình như một người đi dò dẫm và không bao giờ cho rằng mình có sẵn chân lý tuyệt đối”.
Vào mùa xuân năm 1939, Lise Meitner và Otto Frisch khi đó đang làm việc tại Viện Vật Lý của Niels Bohr thì được đọc về các khám phá của vài nhà khoa học người Đức theo đó, người ta có thể phân tách nhân nguyên tử Uranium ra làm hai phần gần bằng nhau. Khi nhân nguyên tử bị chia tách như vậy, sẽ có một số năng lượng khủng khiếp thoát ra và điều này sẽ trở nên một hệ quả quan trọng về quân sự.
Trong chuyến du hành sang Hoa Kỳ, Niels Bohr đã bàn luận về năng lượng nguyên tử với Albert Einstein và với nhiều nhà bác học khác trong đó có cả Enrico Fermi, khi đó đang làm việc cho trường đại học Columbia. Vào thời bấy giờ, chưa có nhà bác học nào biết rằng giữa hai chất Uranium238 và Uranium235 với lượng rất ít, chất Uranium nào đã bị phân hạch tâm để phát ra năng lượng lớn lao. Bohr cùng tiến sĩ John A. Wheeler nghiên cứu vấn đề này trong vài ngày và đã đi đến kết luận rằng chỉ có chất U-235 bị chia tách. Sau đó, lý thuyết về nhân hỗn hợp (compound nucleus) của Bohr cũng đã là một đóng góp to lớn vào nền vật lý hạch tâm, nhờ đó các nhà vật lý đã cắt nghĩa được tính phóng xạ, sự phát ra neutron (neutron emission) và sự phân hạch tâm (fission).
Niels Bohr trở về Đan Mạch vào tháng 3 năm 1939 và làm việc tại Viện Vật Lý Copenhagen. Ngày 01 tháng 9 năm 1939, Hitler cho quân tiến vào đất Ba Lan và Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ. Tới tháng 4 năm 1940, quân đội Đức tràn vào Đan Mạch và chiếm trọn xứ này trong vài giờ. Trong bốn năm liền, người Đức đã kêu gọi sự cộng tác của dân quân Đan Mạch nhưng không thành công. Các cuộc phá hoại và đột kích vẫn luôn xẩy ra cho đến tháng 9 năm 1944, Vua Đan Mạch bị bắt giam và quân đội Đan Mạch bị tước khí giới.
Khi chế độ Quốc Xã đi tới giai đoạn tiêu diệt thẳng tay các người Do Thái, nhóm dân lạc lõng này đã bị lùng bắt ở khắp nơi, nhưng nhờ sự giúp đỡ của dân Đan Mạch, 5,000 trong số 6,000 người Đan Mạch gốc Do Thái đã được đưa lén qua Thụy Điển bằng những con thuyền nhỏ. Nhà bác học Niels Bohr vì có mẹ gốc Do Thái, cũng phải chạy trốn. Ông cùng vợ con xuống một con tầu đánh cá có tên là Sea Star, lánh nạn qua Thụy Điển vào tháng 9 năm 1943. Từ đây, Niels Bohr sang nước Anh bằng một máy bay oanh tạc của đồng minh rồi sau đó, ông sang Hoa Kỳ và làm việc với nhóm các nhà bác học chế tạo bom nguyên tử (Manhattan Project). Chính tại Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Los Alamos thuộc tiểu bang New Mexico, Niels Bohr đã giữ chức vị cố vấn cao cấp nhất cho nhà bác học J. Robert Oppenheimer, giám đốc trung tâm.
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, Niels Bohr trở lại Đan Mạch và làm việc tại Viện Vật Lý cũ của ông. Ông là chủ tịch của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoàng Gia Đan Mạch (the Royal Danish Academy of Sciences) cho tới khi qua đời. Ngoài sở thích về Khoa Học, Niels Bohr còn quan tâm đến Hòa Bình. Trước khi hai trái bom nguyên tử thả xuống đất Nhật vào năm 1945 và đã gây nên cảnh tàn phá khủng khiếp, Niels Bohr đã kêu gọi sự kiểm soát quốc tế về võ khí và năng lượng nguyên tử nhưng không thành công.
Vào năm 1955, Hội Nghị Quốc Tế Nguyên Tử Phụng Sự Hòa Bình lần đầu tiên (the First International Conference on the Peaceful Uses of Atomic Energy) được tổ chức tại Geneva. Niels Bohr vốn là chủ tịch của Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử Đan Mạch (the Danish Atomic Energy Commission) đã được bầu làm chủ tịch của Hội Nghị kể trên. Ông cũng giúp công vào việc tạo nên Ủy Ban Nghiên Cứu Nguyên Tử của Châu Âu (CERN = the European Council for Nuclear Research). Tháng 8 năm 1957, Phần Thưởng Ford về Nguyên Tử Phụng Sự Hòa Bình (the first U.S. Atoms for Peace Award) với số tiền 75,000 Mỹ kim được trao về ông.
Khi đã ngoài 70 tuổi, Niels Bohr tự cảm thấy già nua trong việc sáng tạo nên ông chuyên tâm vào việc giảng huấn và cổ động cho hòa bình. Niels Bohr qua đời vào ngày 18 tháng 11 năm 1962 tại tư gia ở Copenhagen. Ông và Albert Einstein là hai nhà đại bác học gây nên ảnh hưởng lớn lao nhất đối với nền vật lý của thế kỷ 20.
Năm 1997, Hội Nghị Quốc Tế về Hóa Học Thuần Lý và Áp Dụng (the International Union of Pure and Applied Chemistry) đã công bố rằng nguyên tố hóa học với nguyên tử số 107 sẽ có tên chính thức là “bohrium” (Bh) để vinh danh nhà đại bác học Niels Bohr.
Niels Bohr là nhà bác học lãnh được nhiều giải thưởng hơn bất cứ khoa học gia nào khác và theo như lời Albert Einstein: “Không còn hoài nghi gì nữa, Niels Bohr là một trong các nhà phát minh khoa học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”./.
|
Avogadro Amédéo (1776-1856) Bá tước Amédéo Di Quaregna e Ceretto Avogadro sinh năm 1776 tại Turin (Italie), là con một quan tòa. Avogadro học Luật, có Cử nhân xong ông làm thư ký cho tòa tỉnh (préfecture). Sau đó ông vào ngành Vật lý và Toán học. Ông được bổ nhiệm làm giáo sư Toán và Vật lý cho trường Collège royal de Verceil. Năm 1820, Avogadro được giữ chức "Vật lý cao cấp", chức vụ này mở ra đặc biệt chỉ cho riêng ông tại Ðại học bách khoa Turin nơi đó ông dạy học cho đến năm 1850.
Hai năm sau khi định luật GAY-LUSSAC được phát minh về sự hóa hợp các khí, Avogadro cho in ra một công trình nghiên cứu quan trọng để giải nghĩa cho thuyết phân tử khí. |
Năm 1811 ông là tác giả của thuyết mà ngày nay mang tên ông: "Trong cùng điều kiện về nhiệt đô và áp suất, các khí khác nhau có cùng một thể tích sẽ chứa cùng một số phân tử." Ðịnh luật này chỉ được thế giới công nhân năm 1850.
Ông mất năm 1856
Ðơn vị Avogadro:
Ðịnh luật Avogadro dựa trên căn bản Hóa học nói lên sự liên hệ giữa khối lượng phân tử va tỷ trọng của khí.
Số Avogadro là số N phân tử chứa trong một mole.
Giá trị của N = 6,023 x 1023 mol.
Con số này dùng để xác định đơn vị số lượng vật chất: mole.
Thí dụ :
* Khối lượng nguyên tử ( trong bảng phân loại tuần hoàn được gọi là A) của Carbon là 12 g có nghĩa là trong 12 gam
Carbon có chứa 6,023 x 1023 nguyên tử Carbon.
* Hydrogen có khối lượng nguyên tử là 1 g , nghĩa là phải cần 6,023 x 1023 nguyên tử Hydrogen mới cân nặng 1gam
Vậy đơn vị mole tương đương với 6,023 x 1023 của bất kỳ chất nào
N = 6,023 x 1023 mol
Ðể cho ta khái niệm về con số to lớn này, hãy tường tượng 1 mole người. Nghĩa là 6,023 x 1023 người: nếu mọi người cùng nằm bên cạnh nhau trên mặt trái Ðất (kể cà núi và đại dương), 1 mole người đó sẽ bao phủ hết 250 triệu quả đất
***********************************************
Marie Curie (1867 - 1934)
Nữ bác học lừng danh nhất thế giới
Marie Curie là một trong các nhà bác học tiền phong nghiên cứu về chất phóng xạ. Các thành tích của bà rất lớn lao, đã ảnh hưởng tới các nhà vật lý nguyên tử sau này và đã được xác nhận bằng hai Giải Thưởng Nobel lừng danh. Việc khám phá ra neutron của Sir James Chadwick và tính phóng xạ nhân tạo của Irène và Fréderic Jolio Curie đều bắt nguồn từ các công trình khảo cứu của bà Curie.
1/ Thuở thiếu thời.
Ngày 7 tháng 11 năm 1867 tại Cracovie, một thị trấn nhỏ gần thủ đô Varsovie nước Ba Lan, vợ chồng giáo sư khoa học Wladislaw Sklodowski đã cho chào đời cô gái út đặt tên là Marya Sklodowski. Từ khi có mặt cô bé này, gia đình Sklodowski đã không gặp may mắn và bà mẹ lại mắc chứng bệnh nan y: bệnh ho lao, vì vậy, tuy yêu thương các con, bà Sklowdowski không bao giờ dám ôm hôn chúng. Do thiếu tình thương của mẹ, cô bé Marya thường quấn quít bên người chị cả là Zosia để nghe các câu chuyện cổ tích. Ngoài ra, Marya còn ưa thích đứng ngắm cái tủ đựng các dụng cụ khoa học của cha cô trong đó có bày nhiều thứ: nào các ống nghiệm, phong vũ biểu, cân tiểu li, những cục đá địa chất…
Cuộc sống gia đình của Marya đã ít vui vẻ, tình hình quốc gia cũng chẳng sáng sủa hơn. Vào khoảng năm 1872, khi Marya lên 5 tuổi, nước Ba Lan của cô bị sâu xé bởi ba đế quốc: Nga, Đức và Ao. Miền quê hương của cô thuộc khu vực ảnh hưởng của Sa Hoàng. Sau cuộc cách mạng nhân dân thất bại năm 1831, vua Nicolas nước Ba Lan, dưới sự giật dây của nước Nga, đã thẳng tay đàn áp các phần tử cách mạng ái quốc: cầm tù, đầy ải, tịch biên gia sản… Ngoài ra, chính quyền còn cố tình áp dụng một đường lối giáo dục rất vô nhân đạo: chính sách ngu dân. Thời bấy giờ, khoa học và triết học bắt đầu phát triển rất mạnh tại châu Âu, vậy mà các tư tưởng của Auguste Comte, Darwin, những phát minh của Pasteur, Faraday… không thể lọt nổi vào nước Ba Lan.
Trong hoàn cảnh đó, cô bé Marya đã cắp sách đi học. Mới trông bề ngoài, cô bé không có vẻ gì là thông minh, xuất chúng mà trái lại, với khuôn mặt hơi dài, với đôi mắt nâu mơ màng, cô bé còn tỏ lộ vẻ hơi đần. Tuy nhiên cô bé Marya nổi tiếng học giỏi từ thuở nhỏ. Luôn luôn kém các bạn từ 2 tới 3 tuổi mà với môn học nào cô cũng đứng đầu lớp : từ các môn học chính như toán học, lịch sử, văn chương đến những môn phụ như tiếng Pháp, tiếng Đức và cả Thánh Kinh nữa.
Năm Marya lên 10 tuổi, người chị thân yêu và cũng là người bạn tâm sự của cô, chị Zosia, đã bị thiệt mạng vì mắc phải một bệnh truyền nhiễm do các bạn cùng lớp mang tới: bệnh chấy rận. Rồi ít lâu sau, bà mẹ sau nhiều năm bị vi trùng lao phổi tàn phá, đã từ giã cõi đời, để lại cho người chồng gánh nặng nuôi dạy 4 đứa con thơ: một trai Joseph và 3 gái Hela, Bronia và Marya, tất cả trong tuổi đi học.
Năm 1883, Marya với tuổi 16, đã học xong ban trung học và tốt nghiệp ra với lời khen thưởng của hội đồng giám khảo. Lúc đó anh Joseph đang theo học tại trường Đại học Y khoa, chị Bronia cũng học xong ban trung học và muốn trở thành bác sĩ nhưng vào thời đó, trường Y khoa không nhận vô các nữ sinh viên, vì vậy chị phải xin đi dạy học.
Năm 1884, chị Bronia sang Pháp theo học tại Đại học Paris. Sở dĩ chị Bronia chọn nước Pháp một phần vì Đại học Sorbonne là một trường có nhiều vị giáo sư danh tiếng mà phần lớn cũng vì nước Pháp là một nước Tự Do, điều mong ước của tất cả sinh viên thế giới thời bấy giờ cũng như đối với mọi thời đại. Ở Pháp, mọi ý kiến dị biệt đều được tiếp nhận, đây quả là điều kiện tất yếu của mọi công việc tiến bộ về Khoa Học và Nghệ Thuật. Trong khi chị Bronia theo hoc để trở thành bác sĩ thú y tại Paris thì ở Ba Lan, Marya xin được một chân giáo sư tại một vùng quê hẻo lánh.
2/ Thời kỳ du học.
Nghề gõ đầu trẻ không phải là nghề mà Marya ưa thích. Sau 6 năm trời kéo dài cuộc sống khô khan ấy, đến năm 1891, Marya quyết định viết thư cho chị Bronia, xin chị giúp đỡ nàng sang Pháp du học. Vào ngày lên đường, Marya đã ngập ngừng nói với cha: "Cha ơi, con sẽ không đi lâu, chừng hai hay ba năm học xong, con sẽ trở về sống bên cha mãi mãi". Nhưng Marya đã không giữ được lời hứa chân thành này. Một nhà bác học, một người chồng, một người bạn tri kỷ đã giữ nàng lại đất Pháp, người đó là Pierre Curie.
Khi sống tại Pháp, muốn cho tên mình dễ đọc, Marya đã "phiên âm" tên nàng sang tiếng Pháp thành Marie: Marie Sklodowski. Marie không theo hoc Y khoa, Nha khoa hay Dược khoa là những môn học ưa thích của phụ nữ thời đó. Không hiểu nghĩ sao, nàng lại chọn môn Khoa Học thuần túy. Trong buổi ban đầu gặp khó khăn về ngôn ngữ, Marie đã được sự hướng dẫn của một giáo sư trẻ tuổi, có tài: Giáo Sư Paul Appell. Ngoài ra, nàng còn được học hỏi với các Giáo Sư Gabriel Lippmann và Edmond Bouty. Nàng cũng gặp gỡ các nhà vật lý lừng danh thời bấy giờ như Jean Perrin, Charles Maurain và Aimé Cotton…
Cuộc sống của một du học sinh thật là vất vả, với một nỗi khó khăn đã ngăn trở sự học, đó là vấn đề tiền bạc: tiền ăn, tiền học, tiền mua sắm, tiền xe buýt ngày hai buổi đi học. Mùa đông tại Paris, trời lạnh như cắt da nhưng nàng Marie can đảm này đã dấn thân vào việc học và Trời đã không phụ công của người có chí: sau ba năm học tập, nàng đã đỗ đầu trong kỳ thi ra trường và được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học năm 1893 và năm sau, đậu thứ nhì trong kỳ thi lấy văn bằng Cử Nhân Toán. Học xong, nàng Marie đã định quay về nước nhưng do sự hiểu biết hoàn toàn thuộc về phạm vi lý thuyết, nàng muốn phục vụ Tổ Quốc không phải chỉ với chức vụ Giáo Sư mà bằng tài năng của một kỹ sư, nàng Marie muốn giúp đỡ đồng bào bằng những công trình thực tế hơn.
Năm 1893, do sự giới thiệu của bà Dydynska cũng là người Ba Lan, nàng Marie xin được học bổng Alexandrowitch để học về ngành luyện sắt và thép. Nàng được giới thiệụ với một vị Giáo Sư trẻ tuổi, đang khảo cứu về hiện tượng từ tính của các chất gang thép: Giáo Sư Pierre Curie. Pierre Curie sinh ngày 19/4/1859 tại Paris, là con thứ hai của Bác Sĩ Eugène Curie. Năm 16 tuổi, Pierre đã đậu bằng trung học và năm 18 tuổi lại đậu Cử Nhân Khoa Học, rồi được chấp nhận làm Giảng Nghiệm Viên tại Trường Đại Học Paris vào năm 1878. Khi tốt nghiệp đại học ra, ông Pierre Curie đã cùng với người anh là Jacques vùi đầu vào các công cuộc thí nghiệm: họ nghiên cứu tính áp điện (piezoelectricity) của các tinh thể, đặc biệt là của tinh thể thạch anh (quartz).
Năm 1883, anh Jacques được bổ nhiệm làm Giáo Sư tại trường Đại Học Montpellier và Pierre làm giảng nghiệm trưởng của Trường Lý Hóa (Ecole de Physique et de Chimie). Năm 1895, Pierre Curie đậu bằng Tiến Sĩ Khoa Học rồi vào mùa xuân năm 1894, trong thời gian nghiên cứu về hiện tượng điện từ của các chất gang thép, Pierre Curie đã gặp Marie Sklodowski đến học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi mới gặp nàng Cử Nhân Khoa Học và Toán Học của trường Đại Học Sorbonne, Pierre đã thấy có cảm tình và kính trọng người thiếu nữ tài ba này. Lúc đó Pierre đã 35 tuổi, chàng vẫn sống độc thân vì còn mải mê nghiên cứu. Sau vài lần gặp mặt và thảo luận với Marie về Khoa Học, chàng thấy ngay ở nàng hình bóng của người vợ lý tưởng. Đối với Marie, sau khi mối tình đầu tại Ba Lan tan vỡ, nàng muốn xóa bỏ chuyện yêu thương. Nàng thấy Pierre rất xứng đáng nhưng vì còn nhớ đến cha già, đến lời thề sẽ học thật nhanh để quay về sống bên cha và phục vụ cho Tổ Quốc Ba Lan, nàng rời Paris. Khi tiễn nàng Marie về nước, Pierre đã nói như van xin: "Cô là người có tài. Cô nên trở lại nước Pháp để nghiên cứu Khoa Học.Cô không có quyền bỏ rơi Khoa Học".
Marie Sklodowski là kỹ sư đầu tiên của nước Ba Lan nhưng vào thời bấy giờ, người ta không tin tưởng lắm vào tài năng của phụ nữ nên nàng đã không được trọng dụng. Quá chán nản, ở quê nhà chưa đầy một năm, Marie quyết định trở lại nước Pháp, nàng đã không thể bỏ rơi Khoa Học, xa cách Pierre. 10 tháng sau, Marie nhận lời thành hôn với Pierre. Hôn lễ cử hành rất đơn giản vào ngày 25/7/1895: ngoài những người thân trong gia đình như Bác Sĩ Eugène là thân phụ của Pierre, Giáo Sư Sklodowski là thân phụ của Marie, vợ chồng chị Bronia, anh Jacques, họ chỉ mời vài người bạn thân thiết. Tại gia đình mới này, chỉ có Pierre kiếm ra tiền mà số tiền kiếm ra cũng không nhiều, còn Marie vẫn chưa xin được việc làm, Marie chỉ là một sinh viên học giỏi, một nhà khoa học tài ba. Sau hai văn bằng Cử Nhân, nàng Marie lại đậu thêm văn bằng Thạc Sĩ Khoa Học rồi tiếp tục nghiên cứu về hiện tượng từ tính của các chất gang thép. Vào tháng 7 năm 1897, Marie sinh hạ được cô gái đầu lòng, đặt tên là Irène. Từ nay, gia đình Curie lại có thêm nhu cầu mới. May thay, Pierre đã xin được cho vợ vào làm phụ tá trong phòng thí nghiệm Vật Lý của mình và cũng từ nay, bắt đầu sự nghiệp của nhà nữ bác học số một trên Thế Giới.
3/ Khảo Cứu Khoa Học.
Nhân được đọc các bài khảo cứu của nhà vật lý Henri Becquerel và sau khi đã hỏi ý kiến của chồng, Marie Curie quyết tâm thám hiểm vào khu rừng vật lý hãy còn âm u, ít ai biết tới. Thời bấy giờ, người ta chỉ thấy được những chất lạ có đặc tính là phát ra tia sáng song chưa ai biết được là có bao nhiêu chất như vậy và các chất này cùng các tia của chúng khác nhau như thế nào. Các nhà vật lý đặt tên chung cho các chất kể trên là "chất phóng xạ". Sau khi Roentgen tìm ra quang tuyến X, nhà bác học Henri Becquerel đã nghĩ rằng tia phóng xạ có cùng nguồn gốc với quang tuyến X. Rồi Henri Becquerel dựa vào ý tưởng trên và làm nhiều thí nghiệm với các tia phóng xạ của chất Urane giống như các thí nghiệm đối với quang tuyến X và đã nhận thấy rằng hai tia đó có cùng tính chất. Becquerel tự hỏi tại sao có sự phóng xạ và các chất phóng xạ lấy năng lượng từ đâu, dù rằng năng lượng rất nhỏ, để phân tích mà phát ra tia sáng. Công cuộc khảo cứu của Becquerel mới chỉ là bước đầu. Sự hiểu biết về các định luật phóng xạ phải đợi hai thiên tài Pierre và Marie Curie mới phát kiến ra được.
Mới nghiên cứu trong ít lâu, bà Marie Curie đã nhận thấy rằng không phải cả cục Urane có tính phóng xạ mà cục đá đó chỉ chứa một phần rất nhỏ chất phóng xạ mà thôi. Tuy hiểu rằng tỉ lệ chất phóng xạ trong Urane ít, nhưng bà Curie không biết rõ nó là bao nhiêu. Bà cho rằng tỉ lệ đó vào khoảng một phần ngàn. Thật ra về sau, khi người ta được biết chính xác thì tỉ lệ đó còn nhỏ hơn thế nhiều: một phần triệu. Nhưng công lao của ông bà Curie chính là làm cho giới Khoa Học biết rằng có rất nhiều chất phóng xạ khác nhau, dù rằng nhiều chất chỉ là biến thể của nhau và có những chất không phóng xạ như chì, vàng… cũng là biến thể của các chất phóng xạ. Y kiến này rất quan trọng vì nhờ đó mà người ta tìm ra được cách phá nhân của nguyên tử và chế tạo ra bom nguyên tử sau này.
Khởi đầu, bà Curie tìm ra hai chất phóng xạ khác nhau, chất đầu tiên vào mùa hè năm 1891 và được bà đặt tên là "Polonium" để tưởng nhớ nước Ba Lan thân yêu của bà, chất thứ hai được gọi bằng tên "Radium", khám phá ra vài tháng sau đó. Nhưng các công trình của ông bà Curie chưa được giới Khoa Học chấp nhận ngay. Nhiều kẻ hoài nghi không công nhận có hai chất Polonium và Radium. Họ viện lý rằng mỗi chất đều phải có các lý tính và hóa tính. Vậy thì nguyên tử khối và phân tử khối của Radium là bao nhiêu? Radium có ái lực với những chất nào? Muối của nó là gì? Nó màu gì ? Độ chẩy là bao nhiêu? Nhiều câu hỏi đã làm bù đầu hai nhà bác học trẻ tuổi. Muốn trả lời các nhà hóa học đa nghi, Pierre và Marie Curie phải tìm ra Radium nguyên chất. Nguyên liệu có chứa Radium là chất pechblend.
Pechblend là một chất dùng trong kỹ nghệ làm thủy tinh. Chất này rất đắt tiền mà lượng Radium ở trong lại không nhiều. Với số tiền lương eo hẹp, hai nhà bác học làm sao có thể tiếp tục công cuộc nghiên cứu? May thay, có một kỹ nghệ gia thủy tinh người Bỉ nghe danh ông bà Curie, đã bằng lòng chở sang Pháp cho hai nhà bác học hàng xe vận tải vụn pechblend mà nhà máy không dùng tới. Lại thêm một điều may mắn nữa: ông Pierre xin được một căn nhà cũ của Trường Đại Học Khoa Học, hai ông bà Curie liền chứa pechblend và đặt luôn tại đây phòng thí nghiệm.
Trong 4 năm trời từ 1898 tới 1902, sau khi gạn lọc 8 tấn pechblend, hai nhà bác học đã tìm ra được 1 gam Radium nguyên chất. Đây là gam Radium đầu tiên của thế giới và trị giá của nó lên tới 750 ngàn quan tiền vàng. Radium quả là một chất kim đắt giá nhất. Từ nay chất Radium đã chính thức được ông bà Curie "khai sinh", phân tử khối của nó là 225.
Năm 1898, Trường Đại Học Sorbonne đang thiếu một chân Giáo Sư Vật Lý. Pierre nộp đơn xin vì muốn kiếm ra một số lương cao hơn. Nhưng vì ông không hề học qua một trường cao đẳng sư phạm hay Trường Bách Khoa nào nên ông đã bị từ chối. Năm 1900, ông Pierre Curie xin được một chân Giáo Sư tại Trường Bách Khoa với lương 2,500 quan một năm. Với số lương này, gia đình Curie vẫn chưa đủ tiêu dùng. Trong khi đó, Trường Đại Học Genève, Thụy Sĩ, bỗng nhiên gửi thư mời ông Pierre sang nhận chức Giáo Sư Vật Lý với lương hàng năm 10,000 quan, lại được thêm hai người phụ tá cùng một phòng khảo cứu đầy đủ dụng cụ. Thật là một may mắn không ngờ. Nhưng tiếc thay, Genève lại ở quá xa, công ty thủy tinh Bỉ không chịu chở pechblend sang đó. Giữa khoa học và tiền bạc, ông Pierre đã chọn Khoa Học và đành viết thư cảm ơn ông Khoa Trưởng Trường Đại Học Khoa Học Genève.
It lâu sau, ông Pierre Curie được vị Phó Khoa Trưởng Trường Đại Học Sorbonne mời giảng dạy môn Vật Lý cho chứng chỉ Lý Hóa Nhiên (S.P.C.N.) và bà Curie được nhận làm Giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Superieure) dành cho nữ sinh viên tại Sèvres. Ngân quỹ gia đình đã khả quan, từ nay hai ông bà Curie có thể yên tâm phụng sự cho Khoa Học.
Năm 1902, kết quả của công trình khám phá ra chất Radium được công bố. Giáo Sư Mascart do mến tài ông Curie nên đã cố khuyên ông nộp đơn xin vào Hàn Lâm Viện Khoa Học nhưng đến ngày bỏ phiếu, các ông Hàn đã nhận ứng viên đối lập là Amagat. Vào lúc này, Giáo Sư Paul Appell đã được cử làm Khoa Trưởng Trường Đại Học Khoa Học Paris. Muốn an ủi Pierre, Appell xin ông Tổng Trưởng Giáo Dục Pháp ban huy chương danh dự cho nhà bác học và trước khi trao huy chương, Appell đã năn nỉ bà Curie khuyên chồng nên chấp nhận huy chương đó. Nhưng ông Pierre đã từ chối vì ông chỉ cần một phòng thí nghiệm, không cần tới một huy chương đeo ngực. Trong suốt cuộc đời, ông Pierre Curie luôn luôn mong mỏi sẽ lập ra được một cơ sở khảo cứu mà tất cả những ai muốn tìm tòi về chất phóng xạ đều được tự do xử dụng.
Sau khi chất Radium được khám phá, danh tiếng ông bà Curie đã vượt ra khỏi nước Pháp. Từ năm 1900, các viện đại học, các trung tâm khảo cứu tại các nước Anh, Đức, Đan Mạch, Hoa Kỳ… đều gửi thư đến hỏi ông bà Curie về chất Radium. Các nhà vật lý đua nhau tìm hiểu về tính phóng xạ như Boltzmann, Crookes, Paulsen, Ramsay… họ đã tìm thêm được nhiều chất mới như Mesothorium, Ionium, Protactinium, chì phóng xạ, khí Helium phóng xạ…
Năm 1903, bà Curie được Đại Học Sorbonne trao văn bằng Tiến Sĩ Khoa Học, hạng tối ưu với lời khen ngợi của Hội Đồng Giám Khảo về luận án "Khảo cứu về các chất phóng xạ" và cũng vào năm này, Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh gửi thư mời hai nhà bác học Curie sang diễn thuyết bên nước Anh. Sau đó không lâu, nước Thụy Điển đã biểu quyết chia Giải Thưởng Nobel 1903 về Vật Lý, một nửa dành cho ông Henri Becquerel, một nửa tặng ông bà Curie vì công trình khám phá ra chất phóng xạ. Ông bà Curie được lãnh 10,000 quan tiền vàng. Nhưng khi vừa được tin mừng về Giải Thưởng Nobel, hai nhà bác học lại gặp phải nhiều chuyện bực mình: những kẻ hiếu kỳ, các phóng viên nhà báo đã bao quanh nhà, làm ồn ào, gây bận rộn cho hai nhà bác học. Ông bà Curie vốn ưa thích sự yên tĩnh để làm việc, nên đã không khỏi khó chịu khi các kẻ hiếu kỳ muốn coi ông bà như những minh tinh màn bạc. Bà Curie đã phải nói: "Về Khoa Học, chúng ta chỉ nên để ý đến sự vật mà đừng nghĩ tới nhân vật".
Sau khi các nước ngoài nhận rõ chân tài, ông Pierre Curie mới được nước Pháp biết đến. Năm 1904, ông được Viện Trưởng Đại Học Sorbonne bổ nhiện làm Gáo Sư Vật Lý thực thụ . Trước khi nhận lời, ông đưa ra yêu cầu lập nên một phòng thí nghiệm. Lần này, Bộ Giáo Dục Pháp không còn làm những chuyện viển vông như gắn huy chương cho nhà bác học nữa, mà bằng lòng xây dựng một trung tâm nghiên cứu, chấp nhận cho nhà nữ bác học Curie làm trưởng phòng Vật Lý, dưới quyền chồng và lại cho thêm hai nhân viên phụ tá. Cũng vào năm 1904, hai nhà bác học có thêm một tin mừng khác: bà Curie vừa sinh hạ cô gái thứ hai và cũng là cô gái út: Eve Curie. Năm 1905, ông Pierre Curie được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp (Academy of Sciences).
Nhưng vinh quang không đến với nhà bác học được lâu. Ngày 19 tháng 4 năm 1904, sau khi rời nhà xuất bản Gauthier-Villars để về nhà, không rõ ông Pierre Curie bận tâm suy nghĩ điều gì trong lúc băng qua đường, ông đã bị xe ngựa cán phải, vỡ óc chết ngay trên đường Dauphine tại Paris. Ông Pierre Curie đã là một nhà vật lý học xuất sắc, một trong các vị sáng lập ra nền Vật Lý Mới. Để ghi nhớ nhà bác học Pierre Curie, ngày 13 tháng 5 năm 1906, Trường Đại Học Sorbonne đặc cách mời bà Curie thay chồng trong chức vụ Giảng Sư. Bà Marie Curie là nữ Giáo Sư đầu tiên của Trường Đại Học Sorbonne, Paris.
Bà Marie Curie trở nên Giáo Sư thực thụ của Trường Đại Học Sorbonne vào năm 1908. Cũng vào năm này, bà cho xuất bản cuốn sách nhan đề là "Các Công Trình của Pierre Curie". Năm 1910, tác phẩm "Khảo cứu về tính phóng xạ" (Traité de Radioactivité) dày 960 trang của bà Marie Curie đã là công trình chứa đựng những kiến thức khoa học mới mẻ nhất của thời kỳ đó về ngành học phóng xạ.
4/ Giải Thưởng Nobel lần thứ hai.
Danh tiếng của bà Marie Curie vang lừng. Rất nhiều trường Đại Học ở ngoại quốc gửi tặng Bà các văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự. Năm 1910, nước Pháp dự định tặng bà huy chương Hiệp Sĩ nhưng bà Curie đã từ chối vì nghĩ tới thái độ của ông Curie khi trước. Vài tháng sau, nhiều người bạn đã khuyên bà ra tranh cử vào Hàn Lâm Viện Khoa Học. Cổ động cho bà có nhà đại bác học Henri Poincaré, Bác Sĩ Roux, Giáo Sư Emile Picard, các Giáo Sư Lippmann, Bouty và Darboux… nhưng tới kỳ bầu cử, vật lý gia Edouard Branly thắng phiếu. Phải chăng các ông Hàn vẫn còn mặc cảm đối với phụ nữ nên bà Curie không được thu nhận? Lại một lần nữa, nước Thụy Điển sửa chữa những lỗi lầm của nước Pháp: tháng 12 năm 1911, bà Marie Curie được tặng thêm một giải thưởng Nobel về Hóa Học vì công trình tìm ra chất Radium. Bà Curie là người duy nhất đã lãnh hai lần giải Nobel, hơn hẳn các nhà bác học xưa và nay, kể cả nam lẫn nữ.
Từ năm 1911, các nhà trí thức Ba Lan có ý định thiết lập ở Varsovie một cơ sở khảo cứu về chất phóng xạ và họ định mời bà Marie Curie về nước, điều khiển trung tâm khảo cứu này. Tháng 5 năm 1912, một phái đoàn các giáo sư Ba Lan sang Pháp, tìm gặp bà Curie. Bà Marie Curie vào lúc này bị lôi kéo giữa lòng nhớ cố hương và các kỷ niệm về ông Pierre với ước vọng một Viện Radium khi đó đang được xây dựng tại thành phố Paris. Cuối cùng bà Curie đã gửi thư từ chối. Bà đặt tin tưởng vào tài năng nghiên cứu của hai người Ba Lan đã từng phụ tá cho bà.
Năm 1913, bà Marie Curie sang Ba Lan dự lễ khánh thành cơ sở khảo cứu chất phóng xạ. Bà đã diễn thuyết về Khoa Học bằng tiếng mẹ đẻ trước một thính giả rất đông đảo. Tháng 7 năm 1914, Viện Radium Paris được xây dựng xong tại đường Pierre Curie. Đây là "Lâu Đài của Tương Lai", nơi mà trước kia ông Pierre Curie đã hằng mong ước được sống tại đó để nghiên cứu, tìm tòi, và giờ đây, bà Marie tiếp tục sở nguyện của chồng.
Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Khác với nhiều phụ nữ, bà Curie không xung vào các đoàn nữ y tá mà lại nghĩ tới sự thiếu thốn của các nhà thương về phòng chiếu quang tuyến. Bà liền lắp máy lên một chiếc xe hơi rồi cùng với người con gái Irène, dùng xe quang tuyến này, đi chăm sóc các thương binh tại nhiều mặt trận. Vì số thương binh càng ngày càng tăng, bà Marie Curie đã phải lắp thêm 220 phòng quang tuyến ở cả trên xe lẫn dưới đất. Bà lại dùng cả gam Radium duy nhất và vô giá vào việc điều trị các nạn nhân chiến tranh. Ngoài ra, nhu cầu về các chuyên viên quang tuyến khiến bà Curie đề nghị với Chính Phủ Pháp mở gấp một lớp huấn luyện. Chương trình này được thực hiện tại Viện Radium và các giáo sư giảng dạy gồm có bà Curie, cô Irène Curie và cô Marthe Klein.
Năm 1918, Thế Chiến chấm dứt, mang lại hòa bình trên đất Pháp và nền độc lập cho xứ Ba Lan, sau một thế kỷ rưỡi bị đô hộ. Trong nhiều năm trời, bà Curie đã mang hết năng lực và tiền bạc đóng góp vào công cuộc chống ngoại xâm. Bà đã tặng Chính Phủ Pháp số tiền thưởng Nobel. Chiến tranh đã làm cho công cuộc khảo cứu của bà bị gián đoạn và sức khỏe của bà bị suy giảm.
Vào tháng 5 năm 1920, bà Marie Curie tiếp nữ phóng viên William Brown Meloney. Trong câu chuyện, bà Curie cho biết đang cần có một gam Radium để tiếp tục công cuộc khảo cứu mà thứ kim chất đó lại quá đắt tiền. Vừa cảm động, vừa kính phục, bà Meloney khi trở về Hoa Kỳ liền mở một cuộc lạc quyên các phụ nữ Mỹ để mua Radium tặng nhà nữ bác học. Bà Meloney lại khẩn khoản mời bà Curie sang Hoa Kỳ, song bà Curie rất e ngại đám đông, e ngại sự quảng cáo thanh danh, nhưng cuối cùng, bà đành phải nhận lời. Đầu tháng 5 năm 1921, bà Marie Curie cùng hai cô con gái xuống tầu Olympic sang châu Mỹ.
Ngày 20 tháng 5, Tổng Thống Hoa Kỳ Warren G. Harding đã trân trọng biếu bà Marie Curie một gam chất Radium. Tại Philadelphia, bà Curie được trao tặng các bằng cấp danh dự, các quà biếu, 50 gam chất Mesothorium và Huy Chương John Scott của Hội Triết Học Mỹ Quốc. Ngoài ra, bà Curie còn là Tiến Sĩ Danh dự của các Trường Đại Học Pittsburg và Columbia. Bà Curie xuống tầu về nước vào ngày 28 tháng 6 năm đó.
Do sự phát minh ra cách trị liệu bằng chất phóng xạ, đầu năm 1922, Hàn Lâm Viện Y Học Paris đã bầu bà Curie làm hội viên. Tháng 2 năm đó, bà Curie cũng trở thành nhà nữ bác học đầu tiên của Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp. Danh tiếng bà Marie Curie vang lừng. Bà được hân hoan đón tiếp tại A Căn Đình, tại Y, Hòa Lan, Bỉ, Tiệp Khắc… Ngày 15/5/1922, Hội Quốc Liên chỉ định bà Marie Curie làm hội viên của Tổ Chức Giáo Dục Quốc Tế.
Nguyện vọng của bà Marie Curie là được thấy một Viện Radium thành lập tại Varsovie. Dự án xây dựng thành hình vào năm 1925 và bà Curie đã sang Ba Lan để đặt viên đá đầu tiên cho Viện. Khi xây dựng xong, Viện Radium Varsovie lại thiếu Radium để nghiên cứu. Tháng 10 năm 1929, bà Marie Curie lại sang Hoa Kỳ. Tại đây, bà được đón tiếp rất trọng thể chẳng kém gì lần đi trước và nước Hoa Kỳ một lần nữa lại giúp đỡ nhà nữ bác học. Ngày 29/5/1932, Viện Radium Ba Lan được khánh thành đúng theo ý nguyện của nhà nữ bác học lừng danh.
Khi đã ngoài 60 tuổi, bà Marie Curie vẫn còn hăng hái làm việc mỗi ngày 12 giờ. Dưới sự hướng dẫn của bà từ năm 1919 tới năm 1934, 483 tác phẩm khoa học đã được các nhà vật lý và hóa học của Viện Radium phổ biến, và trong số các công trình nghiên cứu khoa học này, riêng bà Curie có 31 tác phẩm.
Từ tháng 12 năm 1933, sức khỏe của bà Curie đã suy giảm. Bà đành phải ăn uống theo lời chỉ dẫn của bác sĩ và đôi khi, bà trở về miền quê để sống trong bầu không khí an lành. Rồi trong một chuyến đi chơi vào tháng 5 năm 1934, bà Curie bị cảm lạnh. Mặc dù lời khuyên cần tĩnh dưỡng của bác sĩ, bà vẫn làm việc vì luyến tiếc thời giờ khảo cứu trong phòng thí nghiệm. Bà Curie bị cảm lại. Bệnh trạng kéo dài hàng tháng. Người ta nhìn thấy bà nằm liệt giường trong bộ y phục màu trắng với bộ tóc bạc trắng như tuyết, và dưới vầng trán cao rộng, hai mắt bà nhắm lại, hai cánh tay buông xuôi để lộ ra hai bàn tay xương xẩu đã bị các tia phóng xạ ăn loang lổ nhiều chỗ. Bà Marie Curie tắt thở vào ngày 04 tháng 7 năm 1934 tại bệnh viện Sancellemoz, mặc dù các bác sĩ tài danh tận tâm chữa trị. Bà Marie Curie đã chết vì bệnh hoại huyết (leukemia) do chính các tia phóng xạ từ chất Radium phát ra.
Trưa ngày thứ Sáu, 06 tháng 7 năm 1934, tang lễ của nhà nữ bác học đã được cử hành tại nghĩa địa Sceaux. Quan tài của bà được đặt lên quan tài của ông Pierre Curie, đúng theo ý nguyện của bà là được gần chồng lúc sống cũng như lúc chết.
Bà Marie Curie là nhà nữ bác học lừng danh đầu tiên của thế giới khoa học. Bà đã đi tiên phong trong công cuộc khảo cứu chất phóng xạ. Ngoài việc phụng sự Khoa Học, bà Marie Curie còn là một nữ công dân có lòng ái quốc nhiệt thành, không những đối với Quê Hương mà còn với cả Tổ Quốc mà bà nhìn nhận. Bà Marie Curie quả là nhân vật đã thực hiện hoàn toàn câu nói của Đại Văn Hào người Pháp Victor Hugo: "Phụng sự Tổ Quốc mới chỉ là một nửa. Nửa kia là phụng sự Nhân Loại "./.
Antoine Laurent Lavoisier (1743-1794)
Cha đẻ của môn hóa học mới
"Rien ne se perd, rien ne se crée, tout se transforme"
Lavoisier và phu nhân
Truyền thuyết cho rằng Antoine Laurent de Lavoisier là cha đẻ của môn hóa học mới và công trình của ông đã làm biến mất ngành Giả kim (alchimie). Lúc đó ông độc hành trong cuộc cách mạng khoa học trước sự chống đối của giáo dục thời bấy giờ. Theo vài nhà sử học, ông được xem như nhà bác học có được đồng minh lẫn kẻ thù. Công trình của ông rất quan trọng trong lịch sử ngành Hóa học.
Ông sinh năm 1743 tại Paris, là con một biện lý (procureur) tại Quốc hội. Mẹ ông mất sớm nên ông và em gái được bà ngoại nuôi sau đó thì người dì sống độc thân nuôi. Ông học trường Trung học Mazarin, sau đó ghi danh học Luật và đậu Cử nhân năm 1764 và tiếp tục học thành luật sư tòa án nhưng ông rất ham Khoa học nên thường xuyên đến phòng thí nghiệm Guillaume Rouelle để theo học Toán và Thiên văn của tu sĩ Nicolas Lois de la Caille rồi làm phụ tá cho những cuộc hội nghị của ông Bernard de Jussieu. Ngoài ra vì ham thích ngành khoa học , vị luật sư trẻ tuổi này quyết định theo nhà khoa học tự nhiên Jean Guettard.
Càng ngày ông càng bị lôi cuốn vào những môn khoa học, sau đó, lúc 23 tuổi ông nhận được huy chương vàng và được đắc cử vô Hàn lâm viện Khoa học năm 1768
Mặc dù mê khoa học nhưng ông cũng làm trong ngành thu thuế, cưới con gái của đồng nghiệp ông năm 1771 và sáu năm sau ông trở thành quan thuế (fermier général). Cũng nhờ làm trong ngành này mà ông giúp đỡ rất nhiều nhà khoa học nghèo như Berthollet, Vauquelin và thành lập những phòng thí nghiệm cho các đồng nghiệp.
Làm việc ở Arsenal, ông nghiên cứu bột muối diêm (salpêtre). Chính trong phòng thí nghiệm ở Arsenal mà Lavoisier đã làm được những thí nghiệm đầu tiên về Hóa học. Dùng hệ thống cân, ông làm các thí nghiệm về chất đốt từ năm 1774. Năm đó ông đốt cháy Thiếc trong bình đậy kín và nhận xét rằng khối lượng tổng quát vẫn giữ nguyên không đổi. Ba năm sau, ông lặp lại thí nghiệm với Thủy ngân. Nhờ thí nghiệm này, ông phân tích được không khí, nhận định được oxygen (O2), Nitrogen (N2) và biến trở lại thành không khí từ oxygen và nitrogen. Theo gương Cavendish, ông chứng minh là nước cũng tạo được do sự đốt cháy của Hydrogen do đó nước không phải là một nguyên tố duy nhất. Năm 1781 ông thiết lập thành phần của khí carbonic (CO2) nhờ những công trình trên kim cương.
Về Vật lý, ông cùng với Laplace khảo cứu sự giãn nở chất rắn. Những nghiên cứu của ông cho phép ông đo được năng lượng nhiệt từ các phản ứng Hóa học.
Năm 1789 ông hoàn thành Cách thức làm Danh pháp Hóa học (La Méthode de nomenclature chimique). Lúc bấy giờ tên thông dụng thưòng kèm theo những chữ phức tạp không nói lên thực tế của vật chất mà họ định nghĩa , như Safran de Mars, fleur de bismuth, beurre d’arsenic, kermès minéral, cristaux de Lune . Ngoài ra một chất có nhiều tên khác nhau và ngược lại, nhiều chất có cùng tên. Trước đó, năm 1777 Guyton de Morveau cũng đã đề nghị chỉ nên dùng một tên nhưng phải đúng theo bản chất của vật thay vì dùng cả một câu như những thí dụ trên. La Méthode de nomenclature chimique được giới thiệu cho Hàn Lâm Viện tháng 6 năm 1787 có 4 người ký tên:: Lavoisier, Guyton de Morveau, Fourcroy và Berthollet. Danh từ Khoa học dựa trên tính chất khác nhau giữa những đơn chất và hợp chất, cho một một số từ như sulfat, acetat, borat để chỉ các muối
Năm 1789 in cuốn Tiểu luận Sơ cấp Hóa học (Traité élémentaire de Chimie) trong đó đưa ra bộ Danh từ Hóa học mới.
Cuối năm 1786, Guyton de Morveau đến ở nhà của Lavoisier. Cả hai cùng lo việc sửa đổi danh từ khoa học. Với bài tiểu luận này, Lavoisier muốn, một mặt giới thiệu toàn bộ Hóa học trên cùng một bản , một mặt cải tổ lại ngành Hóa học bằng cách đào tạo những nhà hóa học mới.
Trong thời kỳ cách mạng 1789, Lavoisier hăng hái tham gia cải tổ lại phép đo lường. Nhưng qua năm 1792 Cách mạng Pháp chuyển hướng và qua năm 1793 thì trở nên quyết liệt: Hàn lâm viện bị giải tán, Hội nghị quốc ước (Convention) xử trảm vua Louis XVI và bắt bỏ tù tất cả những quan thuế (fermiers généraux). Lavoisier bị bỏ tù rồi bị giải ra Tòa án Cách Mạng và ngày 8 tháng 5, 1794 ông bị xử trảm.
Sáng hôm sau nhà Toán học Joseph Louis Lagrange (1736-1813) nói: "Họ chỉ cần trong khoảnh khắc để làm rơi cái đầu đó và có thể cả một trăm năm cũng không đủ để tạo ra một cái đầu tương tự." (Il ne leur a fallu qu’un moment pour faire tomber cette tête et cent années peut-être ne suffiront pas pour en reproduire une semblable)
Mendeleev (1834-1907)
cha đẻ của Bảng phân loại tuần hoàn các Nguyên tố
Ông là nhà hoá học Nga,đã phát minh định luận tuần hoàn các nguyên tố hoá học.
Năm 1955,các nhà vật lý Mỹ đứng đầu là Sibo (G.Seaborg) tổng hợp được nguyên tố hoá học có số thứ tự 101.Họ đặt tên nguyên tố này là Mendelevi để công nhận sự cống hiến của nhà bác học Nga vĩ đại.Hệ thống tuần hoàn do ông thiết lập hơn một trăm năm nay là chìa khoá dẫn đến sự phát minh nhiều nguyên tố hoá học mới.
Định luật tuần hoàn và hệ thống tuần hoàn là cống hiến quan trọng nhất của D.I.Mendeleep trong sự phát triển khoa học tự nhiên.Nhưng đó chỉ là một phần trong di sản sáng tạo to lớn của nhà bác học.Toàn bộ sáng tác của ông gồm tới 25 tập sách.Đây là một bộ bách khoa toàn thư thực thụ.
Mendeleep hệ thống hoá những tri thức tản mạn về hiện tượng đồng hình,và điều đó đã có tác dụng phát triển hoá địa.Ông phát hiện nhiệt độ sôi tới hạn,trên nhiệt độ này chất không thể tồn tại ở trạng thái lỏng,ông xây dựng thuyết hiđrat về dung dịch và do đó xứng đáng được coi là nhà hoá lý xuất sắc.Khi tiến hành những nghiên cứu sâu về tính chất các khí loãng,ông đã chứng tỏ là một nhà vật lý thực nghiệm xuất sắc.Mendeleep đề xuất thuyết nguồn gốc vô cơ của dầu mỏ,thuyết này cho đến nay vẫn được nhiều người ủng hộ;nghiên cứu quá trình chế thuốc súng không khói;nghiên cứu sự du hành trên những tầng cao của khí quyển,khí tượng học,hoàn thiện kĩ thuật đo lường.Khi là người lãnh đạo Viện đo lường trung ương ,ông đã có nhiều đóng góp để phát triển kỹ thuật đo lường.Nhờ những cống hiến khoa học của mình,Menđeleep được bầu làm Viện sĩ của hơn 50 Viện hàn lâm và Hội khoa học ở nhiều nước trên thế giới.
Thep lời ông,ông coi hoạt động khoa học là "sự phục vụ đầu tiên đối với tổ quốc".
Sự phục vụ thứ hai là hoạt động sư phạm.Menđeleep là tác giả của sách giáo khoa "Cơ sở hoá học",khi ông còn sống,cuốn sách này đã trải qua 8 lần xuất bản và nhiều lần được dịch ra tiếng nước ngoài.Menđeleep giảng dạy ở nhiều trường thuộc Petecbua.Vào cuối đời,ông viết: "Trong số hàng nghìn học sinh,nhiều người hiện nay là những nhà hoạt động có tiếng ở khắp nơi,và mỗi khi gặp học sinh cũ,bao giờ tôi cũng nghe nói rằng tôi đã gieo hạt giống tốt trong con người họ chứ không chỉ đơn thuần làm tròn nghĩa vụ của mình".
"Sự phục vụ thứ ba đối với Tổ quốc" trong môi trường công nghiệp và nông nghiệp thật là đa dạng và hữu ích.Ở đây,Menđeleep tỏ ra là một người yêu nước chân chính,quan tâm đến sự phát triển và tương lai của nước Nga.Tại điền trang Boblôvo của ông,Menđeleep tiến hành "những thí nghiệm trồng lúa mì".Ông nghiên cứu chi tiết các phương pháp khai thác dầu mỏ và nêu nhiều chỉ dẫn quí báu nhằm hoàn thiện công việc này.Ông thường xuyên đi sâu tìm hiểu những nhu cầu sống còn của công nghiệp,thăm những công xưởng,nhà máy,khu mỏ và hầm mỏ.Uy tín của Menđeleep lớn đến mức ông thường xuyên được mời làm chuyên gia để giải quyết những vấn đề kinh tế phức tạp.
Trước khi mất không lâu,ông cho xuất bản cuốn sách "Để nhận thức nước Nga",trong đó ông vạch ra một chương trình rộng lớn phát triển những lực lượng sản xuất của đất nước.
"Hạt giống khoa học sẽ nảy mầm cho mùa gặt của nhân dân",đó là khẩu hiệu của toàn bộ hoạt động của nhà bác học.
Menđeleep là một trong những người có trình độ văn hoá cao nhất thời đại ông.Ông quan tâm sâu sắc đến văn học và nghệ thuật,xây dựng một bộ sưu tập khổng lồ phiên bản tranh của các hoạ sĩ thuộc nhiều nước và nhiều dân tộc.Những nhà hoạt động văn hoá xuất sắc thường gặp nhau ở nhà ông.
John Pople (1925-2004)
Cha đẻ lý thuyết điện toán trong hóa học lượng tử
Sinh năm 1925 tại Burnham-on-Sea, Somerset (Anh), Pople nhận bằng tiến sĩ toán học năm 1951 tại Đại học Cambrigde. Một năm sau đó, ông lập ra công thức cho một sơ đồ cơ bản để phát triển những mô hình toán học phục vụ nghiên cứu phân tử mà không cần tiến hành thí nghiệm.
Sau một thời gian lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu vật lý cơ bản thuộc Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia Anh gần London, ông nhanh chóng cảm thấy không thích hợp với việc phải dành quá nhiều thời gian cho công tác quản lý nên đã di cư sang Mỹ năm 1958.
Năm 1964, Pople trở thành giáo sư vật lý hóa học tại trường Carnegie Tech, sau này trở thành đại học Carnegie-Mellon, Pittsburgh (Mỹ). Ông được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ năm 2002 vì những đóng góp trong nghiên cứu hóa học. Năm 1986, ông chuyển sang làm việc tại khoa hóa của Đại học Northwestern (Mỹ).
John Pople, người giành giải Nobel năm 1998 vì đóng góp to lớn trong quá trình phát triển các phương pháp điện toán cho ngành hóa học. Ông qua đời ngày 15 tháng 3 năm 2004 tại nhà riêng ở tuổi 78 vì bệnh ung thư gan.
Pople là người đã phát triển các kỹ thuật máy tính phục vụ cho việc kiểm tra và xác định cấu trúc hóa học và những chi tiết của vật chất. Chương trình máy tính do ông xây dựng đã được hàng nghìn trường đại học và doanh nghiệp trên thế giới sử dụng. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, ông biên tập lại chương trình này, kết hợp thêm với lý thuyết về mật độ của Walter Kohn, người đồng nhận giải Nobel hóa học với ông. Kohn là nhà khoa học người Áo, làm việc tại Đại học Santa Barbara (Mỹ). Nghiên cứu của ông này, bắt đầu từ những năm 60, làm đơn giản hóa mô tả toán học về sự liên kết giữa các nguyên tử tạo nên phân tử.
Cách tiếp cận bằng điện toán của Pople trong lĩnh vực hóa học đã cho phép các nhà khoa học tạo ra những mô hình trên máy tính của nhiều phản ứng hóa học, vốn là điều không thể hoặc rất khó tái tạo trong phòng thí nghiệm. Công trình của ông có tầm ứng dụng rất rộng, từ phục vụ nghiên cứu các vì sao dựa trên những dấu hiệu hóa học đo qua kính viễn vọng, cho đến tìm hiểu phương thức mà những chất gây ô nhiễm như freon phản ứng với tầng ozone. Trong lĩnh vực y học, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp hóa học lượng tử được vi tính hóa của Pople để tái tạo tác dụng của một số loại thuốc chống lây nhiễm căn bệnh HIV
(theo Washington Post)