Ý thức luân lý của người Việt Nam đã thành một phản ứng hết sức sâu xa, khiến nó tỏa ra ở khắp mọi nơi, mọi mặt sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần.
Trong văn chương bình dân của người Việt Nam , tục ngữ, cổ tích chiếm một địa vị đáng kể, và hầu hết nó là luân lý sống động, cụ thể và rất thực tiễn, được viết thành vần thành điệu rõ ràng. Người dân Việt sống giữa tục ngữ, cổ tích như con cá sống giữa biển, và tinh thần của họ qua các lời nói hàng ngày thật là phong phú, ý tình xây dựng rút từ tục ngữ, cổ tích, ca dao. Cả những người dân quê thất học, tâm não cũng thấm nhuần được khá nhiều những câu răn dậy truyền khẩu có điệu có vần để họ sử dụng trong cuộc đối thoại như những nguyên tắc vàng ngọc, và cả trong khi chửi rủa như những luận chứng bất khả di dịch. Một điều rất đáng chú ý là có những câu tục ngữ hết sức bóng bẩy, rất đỗi khó hiểu, nhiều người trí thức có văn bằng cao cũng không thể nào giải nghĩa cho gọn gàng, thế mà những người bình dân Việt Nam vẫn sử dụng được một cách chính xác đặc biệt trong lúc nói năng. Dĩ nhiên người nói không sao giải nghĩa các câu phát biểu một cách phân minh, vì họ chỉ hiểu nó bằng trực giác. Căn bản tâm hồn họ như làm bằng chất luân lý và thông cảm với luân lý một cách tự nhiên dễ dàng. Cả đến những thần thoại của họ cũng có một tinh thần luân lý đặc biệt, hướng về những giá trị rất cao đẹp, hoặc là đề cao giống nòi như chuyện Con Rồng Cháu Tiên, ca ngợi anh hùng cứu quốc như chuyện Phù đổng Thiên vương, cổ võ hôn nhân bình đẳng tự do như chuyện Tiên Dung và Chử Đồng tử, phát huy đức tính siêng năng như Sơn tinh Thủy tinh. Tóm lại, những điều nhân nghĩa thủy chung bao giờ cũng là xương tủy trong thần thoại của họ. Không chỉ ở trong văn chương bình dân, ý niệm luân lý mới thành chất sống, thành xương tủy, mà cả đến văn chương bác học của lớp sĩ phu ngày xưa vốn là tầng lớp hưởng thụ trong xã hội, ý thức luân lý cũng hết sức đậm đà. |